Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Sống hôm nay theo ánh sáng của ngày mai

CÓ HY VỌNG TRÊN ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
Sống hôm nay theo ánh sáng của ngày mai
II Timôthê 3.10 - 4.8
1. Cách đây mấy năm, một thị trấn nhỏ trong bang Maine phải được tái thiết lại vì một đập thủy điện đã được xây dựng ngang qua ngôi làng của họ. Bối cảnh thị trấn của họ sẽ bị ngập lụt và bị nhận chìm. Cơ quan nhà nước đã dành ưu đãi cho dân chúng về giá cả bồi thường cho tài sản của họ. Một việc lạ đã xảy ra. Một thời gian ngắn sau khi tiền bồi thường được loan báo, thị trấn nhỏ nhắn một thời xinh đẹp kia người ta định giữ nguyên như vậy đã rơi vào cảnh hư nát. Lớp sơn tróc ra, những tấm ván lỏng lẻo ra, cỏ dại mọc lên trong khu đậu xe. Một người địa phương tóm tắt cảm xúc của cộng đồng với một phóng viên báo chí: “Tại sao phải giữ nguyên thị trấn trong khi mai đây nó sẽ chẳng còn có nữa?”
2. Trải qua chín tuần lễ chúng ta đã xem xét các biến cố chính của lời tiên tri trong Kinh thánh theo dòng thời gian. Chúng ta đã học biết về Sự Cất Lên của Hội thánh, Ngai Phán Xét của Đấng Christ, Kỳ Đại Nạn, Sự Dấy Lên của Antichrist, Sự Đến Lần Thứ Hai của Đấng Christ, Vương Quốc trong thời kỳ Thiên Hi Niên, Ngai Trắng Lớn Phán Xét và tương lai đời đời, Kỹ Nguyên Thiên Đàng.
3. Chúng ta sẽ làm gì với sự hiểu biết nầy? Francis Shaeffer đã hỏi: “Rồi chúng ta sẽ sống ra sao?” Chuck Colsen trong quyển sách mới của ông đã cập nhật câu hỏi ấy với đề tựa Bây giờ chúng ta sẽ sống ra sao? Có một việc là chắc chắn. Chúng ta không cần phải để cho lớp sơn tróc ra và cỏ dại mọc lên trong đời sống của chúng ta. Không, chúng ta cần phải sống hôm nay theo ánh sáng của ngày mai.
4. Loạt bài nầy đã khởi sự với một sứ điệp có đề tựa Thế Giới Nầy Sẽ Đi Về Đâu? Trong bài giảng khởi đầu ấy, phân đoạn Kinh thánh gốc của chúng ta là II Timôthê 3.1-9. Chúng ta đã học biết “những thời kỳ nguy hiểm” hay những thời kỳ tàn bạo, độc ác giữa những dấu hiệu khác sẽ đánh dấu những “ngày sau rốt”. Chúng ta đã khởi sự loạt bài ở 3.1-9 và hôm nay ở sứ điệp cuối cùng, chúng ta sẽ kết thúc ở 3.10 - 4.8. Tôi muốn cung ứng cho quí vị bốn chìa khoá cho cuộc sống hôm nay theo ánh sáng của ngày mai.
I. Tiếp tục trung tín (3.10-12).
A. Timôthê noi theo gương của Phaolô.
1. Sau khi viết về những dấu hiệu trong những “ngày sau rốt” và kẻ tội ác sẽ hiện đến, Phaolô khen ngợi Timôthê.
2. Ông khích lệ Timôthê vì vị Mục sư trẻ đã có “sự dạy dỗ, tánh hạnh, ý muốn, đức tin, nhịn nhục, yêu thương, bền đỗ”.
3. Vị Sứ Đồ đang ở gần kề phần cuối của cuộc đời mình. Ông biết ngày giờ của mình không còn bao nhiêu nữa. Ông đang đợi sự hành quyết tại Rôma. Timôthê là học trò của ông. Trong mấy năm qua, Timôthê đã cẩn thận “noi theo” Phaolô, nhưng thời gian sắp tới đây, Timôthê sẽ phải đứng trên chân của mình.
4. Sự việc cho thấy, dường như Phaolô muốn nói: “Hỡi Timôthê, sắp tới đây khi ta đã đi rồi, ta muốn con phản ảnh lại những gì ta đã dạy, ta đã sống như thế nào và ta đã dâng mình vì mục đích nào. Ta muốn con ghi nhớ ta đã tin Đức Chúa Trời, kính mến Đức Chúa Trời và đã chịu khổ vì Đức Chúa Trời như thế nào! Ta đã nêu một gương cho con và ta muốn con sống y như ta đã sống”.
5. Phaolô đã nói với người thành Côrinhtô: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (I Côrinhtô 11.1).
6. Khi chúng ta tiếp cận với những “ngày sau rốt”, những thời điểm đã được nói trước trong lời tiên tri, người nào trung tín với Đức Chúa Trời sẽ đứng vững ở ngoài đám đông kia. Phaolô đã cầu thay cho các tín hữu ở thành Philíp để họ sẽ “ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian” (Philíp 2.15).
B. Có nhiều tấm gương trong Kinh thánh.
1. Hêbơrơ 11 được gọi là “Đại Sảnh Đức Tin”. Chương nầy đưa ra hai phần: phần định nghĩa và vô số tấm gương những đời sống trung tín.
2. Ở đây chúng ta thấy những tấm gương như A-bên, Hê-nóc, Nôê, Ápraham, Sara, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép, Môise, Giô-suê, Raháp, v.v…Tác giả đã nói phần bắt đầu ở câu 32: “Ta còn nói chi nữa? Vì nếu ta muốn nói… thì không đủ thì giờ”. Ông tiếp tục nhắc tới “Ghê-đê-ôn”, “Ba-rác”, “Sam-sôn”, “Giép-thê”, “Đa-vít”, “Sa-mu-ên”“các đấng tiên tri”. Ông viết về những anh hùng đức tin nầy, họ “tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, thắng bịnh tật, tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn”. Ông nói họ đã đối mặt với: “nhạo cười, roi vọt”, và “cũng chịu xiềng xích lao tù nữa”. Họ cũng bị “ném đá”, “cưa xẻ”, “bị giết bằng gươm”, “bị thiếu thốn mọi đường”, “bị hà hiếp”, và bị “ngược đãi”. Tác giả nói tới những nhà vô địch trong đức tin nầy rằng “thế gian không xứng đáng cho họ ở”.
3. Michael Martin Murphy có một bài hát với đề tựa là: “Tôi đến từ một dãy dài yêu thương”. Khi tôi đọc chương nầy, tôi biết rằng tôi đến từ một dãy dài đức tin!
Quí vị có nghe nói về Susan Butcher chưa? Cô đã phấn đấu và đã thắng một cuộc đua 500 dặm trược tuyết bằng xe do chó kéo ở Minnesota trong cái chết chóc của mùa đông. Thực thế, cô đã thắng cuộc đua ấy những hai lần! Hãy tưởng tượng xem, hết ngày nầy qua ngày khác kiệt lực đi trong những điều kiện như bão tuyết, cô cùng đội chó Eskimo đã đua trong mấy trăm dặm. Hãy tưởng tượng sự đơn điệu buồn tẻ, sự căng thẳng, lạnh giá và kiệt sức xem. Làm sao cô có thể chịu đựng được như thế? Trong một cuộc phỏng vấn, Butcher đã nói: “Tôi chỉ nhớ rằng có nhiều người khác đã chịu đựng cảnh ấy trước tôi, và tôi cũng có thể chịu đựng được. Vì họ đã chịu được, thì tôi cũng có thể chịu nổi”.
C. Lời khuyên thực tế. Hãy tìm một gương tốt.
1. Người ta học dương cầm, dạy dỗ một đứa trẻ nhỏ hay trải qua những kỳ thi cuối của mình như thế nào? Chúng ta nhớ lại rằng nhiều người khác đã trải qua. Nếu họ có thể qua được, chúng ta cũng có thể qua được nữa.
2. Nguyên tắc nầy được đưa ra trong lãnh vực đức tin. Timôthê đã noi theo Phaolô. Nhiều người khác đã noi theo ông. Sự việc giống như chuyển giao khúc gậy thuộc linh vậy. Chúng ta gọi đó là môn đồ hoá.
3. Tôi rất biết ơn vì có nhiều vị cố vấn thuộc linh trong đời sống tôi. Tôi nhớ vị giáo viên lớp trường Chúa nhựt khi học lớp 7, vị Mục sư đặc trách thanh niên, những thầy dạy Kinh thánh và vị Mục sư chủ toạ của tôi. Tôi có nhiều tấm gương trước tôi trong chính hội chúng của tôi.
4. Khi quí vị sống cho Đấng Christ trong những “ngày sau rốt” nầy, hãy chọn lấy một tấm gương, một vai trò mẫu mực rồi noi theo với hết sức của mình.
II. Tin cậy vào lẽ thật (3.13-17).
A. Sự CẦN THIẾT của Kinh thánh (câu 13).
1. Trong phạm vi của những “ngày sau rốt”, Phaolô nói rằng “những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn”. Chúng ta không phải nhìn quanh lâu mà không nhất trí với vị Sứ đồ ở điểm nầy. Từ những kẻ viết sách báo khiêu dâm cho đến những nhà truyền đạo như nghệ sĩ trên vô tuyến truyền hình, họ “làm lầm lạc kẻ khác mà cũng lầm lạc chính mình nữa”.
2. Kinh thánh là quyển sách tiêu khiển, là kim chỉ nam, và là sách đầu tay của chúng ta. Sách ấy dẫn dắt chúng ta qua những làn sóng bão táp thoả hiệp trong thời hiện đại đến nơi bình tịnh của lẽ thật đời đời.
Một tác giả vô danh đã nói theo cách nầy: “Quyển sách nầy là tâm ý của Đức Chúa Trời, tình trạng của con người, phương thức cứu rỗi, số phận của tội nhân, và phước hạnh của người tin Chúa. Lẽ đạo của Kinh thánh là thánh, giáo huấn của Kinh thánh rất chặt chẽ; lịch sử của Kinh thánh là thực, và mọi quyết định của Kinh thánh là bất biến. Hãy đọc Kinh thánh để được khôn ngoan, hãy tin theo Kinh thánh để được an ninh, làm theo Kinh thánh để được nên thánh. Kinh thánh chứa ánh sáng để dẫn dắt bạn, đồ ăn để nâng đỡ bạn, và sự yên ủi để cổ vũ bạn. Kinh thánh là tấm bản đồ của du khách, là cây trượng của lữ khách, là la bàn cho viên phi công, là thanh gươm của chiến sĩ, và là cá tánh của Cơ đốc nhân. Ở đây thiên đàng được phục hồi, thiên đàng mở cửa ra, và hai cánh cổng của địa ngục được bày ra. Đấng Christ là đề tài chính của Kinh thánh, Kinh thánh vẽ ra ơn phước của chúng ta, và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là cứu cánh của Kinh thánh. Kinh thánh phải đầy dẫy trong trí, tể trị tấm lòng, và dẫn dắt bước chân. Hãy đọc Kinh thánh cách chậm rãi, thường xuyên, với sự khẩn nguyện. Kinh thánh là cái mỏ của sự giàu có, một thiên đàng vinh hiển, và một dòng sông khoái lạc. Hãy làm theo mọi giáo huấn của Kinh thánh thì Kinh thánh sẽ dẫn dắt quí vị đến đồi Gôgôtha, đến ngôi mộ trống, đến một đời sống phục sinh trong Đấng Christ; phải, đến với sự vinh hiển, đến với cõi đời đời”.
B. NGHIÊN CỨU Kinh thánh (các câu 14-15).
1. Phaolô khích lệ Timôthê phải “đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy”. Kế đó, với lời lẽ dịu dàng, ông tô điểm một bức tranh bằng lời khi nói thêm: “vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh”.
2. Bà nội của Timôthê là Lô-ít và mẹ là Ơ-nít đã mềm mại, cẩn thận dạy dỗ Timôthê Lời của Đức Chúa Trời từ lúc còn thơ ấu.
3. Điều nầy nhắc cho tôi nhớ tới việc nhìn thấy bố tôi đọc Kinh thánh mỗi sáng. Điều nầy nhắc cho tôi nhớ thể nào mẹ tôi đọc cho tôi nghe và quyết chắc tôi phải có mặt trong nhà thờ.
4. Hỡi những người làm cha mẹ, làm ông bà, chúng ta cần phải mang lấy rồi chuyển giao ngọn đuốc cho thế hệ hầu đến. Có thể họ sẽ là thế hệ cuối cùng đấy!
5. Có thể quí vị không có một bậc phụ huynh dạy dỗ quí vị về Kinh thánh “từ khi còn thơ ấu”, nhưng quí vị đang có Lời của Đức Chúa Trời hôm nay, hãy nghiên cứu Kinh thánh đi!
6. Lời lẽ của Phaolô dặn Timôthê là: “Đừng lui đi. Đừng dừng lại. Hãy vững vàng với lẽ thật mà con đã học trên đầu gối của mẹ mình”. Chúng ta đang sống trong một thời đại thông tin. Chúng ta bị tấn công với tri thức mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi càng học hỏi tôi càng tin quyết nơi lẽ thật của Kinh thánh càng hơn.
C. QUYỀN PHÉP của Kinh thánh (các câu 16-17).
1. Kinh thánh đã “được soi dẫn” hay được “Đức Chúa Trời hà hơi”.
2. Kinh thánh rất “có ích”. Tôi thấy ngồi trước TV sẽ chẳng có ích lợi bao nhiêu, nhưng từng giây phút tôi để ra với Kinh thánh là rất có ích lợi.
3. Kinh thánh sẽ khiến cho tôi được “trọn vẹn” hay trưởng thành.
Quí vị có nhớ câu chuyện nổi tiếng Mutiny on the Bounty [Nổi loạn trên đảo Bounty] không? Theo sau sự nổi loạn của họ chống lại viên Đại úy Bligh xâu xa, 9 người nổi lọan, cùng với những người đàn ông, đàn bà Tahiti cùng đi với họ, đã tìm được đường sang đảo Pitcairn, một chấm nhỏ trong biển Nam Thái Bình Dương có bề dài hai dặm và rộng một dặm. Mười năm sau, sau khi chiến đấu chỉ còn có một người sống sót, John Adams. 11 phụ nữ và 23 trẻ em hình thành phần còn lại của dân cư hòn đảo. Vào thời điểm nầy, Adams tìm được quyển Kinh thánh ở đáy chiếc rương cũ. Ông bắt đầu đọc, và quyền phép thiêng liêng của Lời Đức Chúa Trời chạm đến tấm lòng của kẻ giết người chai lì kia đang sống trên hòn đảo núi lửa thuộc vùng biển Thái Bình Dương và đã thay đổi đời sống ông cho đến đời đời. Sự bình an và tình yêu thương mà Adams đã tìm được trong Kinh thánh đã thế chỗ hoàn toàn đời sống cũ hay tranh cãi, và rượu chè. Ông bắt đầu dạy Kinh thánh cho các trẻ em cho tới chừng mỗi người trên hòn đảo đã kinh nghiệm được chính sự thay đổi đáng kinh ngạc mà ông đã tìm được. Ngày nay, với số cư dân chưa tới 100 người, gần như mỗi người trên hòn đảo Pitcairn đều là một Cơ đốc nhân.
III. Chia sẻ Cứu Chúa (4.1-4).
A. Mạng lịnh của Phaolô (câu 1).

Trong câu nầy Phaolô giống như một vị Tướng lãnh đang đứng trước quân đội của mình vậy. Ông nói: “Ta răn bảo con”. Ông cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa Jêsus, là Đấng sẽ “đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài”.
B. Sứ mệnh của chúng ta (câu 2).
1. Chúng ta cần phải “giảng đạo”. “Giảng” có nghĩa là “công bố”. Đây không phải là một câu chỉ dành cho quí Mục sư hay các giáo sư dạy Kinh thánh, mà là dành cho hết thảy những người tin Chúa.
2. Có phải quí vị biết mình có một chỗ trong chương trình có tính tiên tri của Đức Chúa Trời? Chỗ đó nằm ở đây. Khi ngày ấy hầu gần, quí vị và tôi cần phải trung tín chia sẻ sứ điệp nói tới Đấng Cứu Thế.
3. Chúng ta cần phải “sẵn sàng” làm chứng cho người khác biết về Chúa Jêsus bất luận “gặp thời hay không gặp thời”. Hãy làm chứng dù gặp hay không gặp thời. Khi quí vị cảm nhận hay quí vị không cảm nhận. Hãy làm chứng đạo vào mùa đông và vào mùa hè, mùa xuân và mùa thu. Hãy công bố Đấng Christ ra ở nơi sứ điệp được tán thưởng và ở nơi sứ điệp bị dèm chê. Hãy giảng đạo ở nơi hai cánh cửa rộng mở và ở nơi chúng bị đóng lại. Hãy chia sẻ tin lành với cả người già lẫn trẻ, kẻ giàu hay nghèo, ở nơi công cộng hay tại tư gia.
4. Tôi thích I Phierơ 3.15: “nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ”.
5. Chúng ta cần phải “đem lòng rất nhịn nhục”, “bẻ trách”“nài khuyên”. Chúng ta cần phải trình bày cho rõ ràng, nhưng đừng nhồi nhét vào họng của người ta. Côlôse 4.6 chép lời nói của chúng ta cần phải “nêm thêm muối”.
6. Hãy nhớ lý thuyết cho phim Star Trek: “dạn dĩ đi đến nơi nào mà chưa có con người đến”. Hết thảy chúng ta đều có lời kêu gọi ấy. Quí vị đang có một lãnh vực ảnh hưởng rất đặc biệt.
C. Những ngày tối tăm (các câu 3-4).
1. Trong những “ngày sau rốt” nầy, những “thời kỳ nguy hiểm” nầy, có nhiều tiếng kêu gào phải chú ý. Nhiều người sẽ “không chịu nghe đạo lành”. Hệ thống thờ lạy hình tượng, Kỹ Nguyên Mới, chủ nghĩa thần bí, chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa thế tục, v.v…hết thảy đều xưng mình là thực. Trong thời kỳ tối tăm nầy, sự sáng chiếu rọi của Tin lành càng trở nên quan trọng hơn.
2. Cho phép tôi đưa ra đề nghị sau cùng. Trong “thời kỳ nguy hiểm” nầy trong những ngày sau rốt, giữ lấy sứ điệp đơn sơ kia rất là quan trọng.
Vào ngày 7 tháng 4 năm 1865, Tổng thống Abraham Lincoln đã viết một thông điệp đơn sơ gửi cho Tướng Grant. Thông điệp ấy ghi như sau: “Tướng Sheridan nói: ‘Nếu sự việc được hối thúc, tôi nghĩ Lee sẽ đầu hàng’. Hãy hối thúc việc ấy”. Một sứ điệp đơn sơ đã xoay chiều lòng lịch sử. Khi đến với Tin lành của Đấng Christ, hãy hối thúc việc ấy!
IV. Hoàn tất cuộc chạy (4.5-8).
Phải, nhiều người sẽ “bịt tai không nghe lẽ thật” nhưng chúng ta cần phải “có tiết độ trong mọi sự”, phải “chịu cực khổ” để “làm việc của người giảng Tin lành” và để “làm cho đầy đủ mọi phận sự về chức vụ con [của chúng ta]”. Họ có thể tranh luận với những tín điều của chúng ta, nhưng không thể tranh luận với các tấm gương của chúng ta được. Philíp 2.15 cho chúng ta biết phải trở nên “con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian”. Đây là ba tư tưởng về việc hoàn ấtt cuộc chạy.
A. Hãy đổ sự sống của quí vị ra, đừng cất giấu nó (câu 6).
B. Hãy giữ đức tin, đừng lui đi vào lúc sau cùng (câu 7).
C. Hãy giữ mắt nhìn về đích đến, chớ đừng nhìn vào cuộc đua (câu 8).
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 1960, John F. Kennedy thường kết thúc bài diễn văn của mình với câu chuyện của Đại Tá Davenport, phát ngôn viên của Dinh Đại Sứ ở Connecticut. Một ngày kia vào năm 1789, bầu trời Hartford tối tăm rất gỡ lạ, một số đại sứ, sợ rằng tận thế đến nơi. Chấm dứt tiếng kêu la đòi ngưng họp tức thì, Davenport đứng bật dậy rồi nói: “Ngày Phán Xét một là đang đến gần hoặc chưa. Nếu ngày ấy chưa đến, chẳng có lý do gì phải ngưng họp. Nếu ngày ấy đến, tôi chọn được người ta thấy mình đang làm bổn phận. Vì lẽ đó, tôi muốn những ngọn đèn được đem ra”. Thay vì e sợ bóng tối tăm, chúng ta cần phải được thắp sáng khi chúng ta canh chừng và trông đợi. Chúng ta không biết khi nào chương cuối của sự sống trên đất sẽ trở nên rõ ràng, nhưng khi chương ấy mở ra, nguyện ai nấy đều thấy chúng ta đang thực thi bổn phận của mình.

Tương lai đời đời



CÓ HY VỌNG Ở ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
Tương lai đời đời
Khải huyền 21
1. Có thể quí vị đã nghe thuật câu chuyện về nữ thương gia từ thành phố Nữu ước đã bị xe bus đụng chết. Bà nầy gặp Phierơ ở Cửa Thiên Đàng. Ông nói cho bà nầy biết lâu nay chưa có ban chấp hành phụ nữ nào được lập ra, vì vậy họ không biết phải làm gì với bà nầy. Chương trình đặt ra cho bà ta là phải ở một ngày trong địa ngục, một ngày ở thiên đàng và rồi mới quyết định. Phierơ đưa bà ta vào thang máy rồi cho chạy xuống. Khi hai cánh cửa mở ra, bà ta bước ra một sân golf xinh đẹp. Bạn bè của bà ta tiếp đón bà ta bằng một bữa tiệc cocktail. Sau đó họ ăn tối bằng thịt bò và tôm hùm. Đến cuối ngày, bà ta vẫy tay chào tạm biệt rồi quay trở về thiên đàng. Bà ta qua ngày kế thơ thẩn quanh một đám mây với chiếc đàn lia. Khi ấy Phierơ đến gặp bà ta rồi nói: "Ok, đây là lúc phải lựa chọn. Bà muốn qua cõi đời đời ở đâu?" Bà ta cảm ơn ông trong thời gian được ở thiên đàng, nhưng nói rằng địa ngục chính là lối sống của bà ta. Ông đưa bà ta trở lại chiếc thang máy rồi bà ta cho thang chạy xuống. Tuy nhiên, khi hai cánh cửa mở ra lần nầy không phải là sân golf nữa, mà là một vùng đất hoang vu, trơ trụi. Bạn bè của bà ta thì hốc hác, ăn mặc rách rưới. "Có chuyện gì vậy? Cách đây hai ngày có một sân golf và tiệc tùng mà". Một con quỉ đáp: "Cách đây hai ngày chúng tôi đang tuyển mộ bà đấy. Hôm nay bà là thuộc viên của chúng tôi”.
2. Kẻ tội ác hiện đang tuyển mộ người cho một cõi đời đời trong "hồ lửa" đó. Nhà truyền thông đầy thế lực Ted Turner đã nói: "Tôi thích đi địa ngục hơn. Thiên đàng nhạt nhẻo lắm". Mark Twain từng phát biểu: "Bạn có thể vào thiên đàng, tôi muốn vào địa ngục hơn".
3. Đối với nhiều người, đời sống của họ có thể được tóm lại bằng một câu nói quảng cáo cũ về bia: "Chẳng có loại nào tốt hơn loại nầy". Những gì họ có trên đời nầy là tốt theo cách mà họ nhận được. Tất cả chỉ là một nấm đất. Đối với những ai tin theo Chúa Jêsus, họ sẽ nhận được khá hơn, nhiều hơn.
4. Chúa Jêsus phán: "Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó" (Giăng 14.2b-3).
5. Người ta rất tò mò về thiên đàng. Mùa hè nầy cũng chính là thời điểm mà John F. Kennedy Jr. gục chết trong một tai nạn rớt máy bay, phóng viên em họ của anh ta Maria Shiriver đã cho in một quyển sách cho thiếu nhi có đề tựa “Thiên đàng là gì?” Đây là quyển sách thiếu nhi đầu tiên nằm trong danh sách bán chạy nhất kể từ quyển “Dr. Seuss” trong thập niên 1960.
6. Trong phần nghiên cứu lời tiên tri của chúng ta trong Kinh thánh, chúng ta đã xem xét một vài yếu tố chính. Sự Cất Lên của Hội thánh, Kỳ Đại nạn, Sự Dấy Lên Của Antichrist, Sự Đến Lần Thứ Hai Của Đấng Christ, Vương quốc trong thời kỳ Thiên Hi Niên, Ngai Trắng Lớn Phán Xét và Sự Hủy Diệt Trời và Đất. Hôm nay, chúng ta sẽ đào sâu phần nghiên cứu nầy bằng cách xem xét tương lai đời đời, Kỹ Nguyên Thiên Đàng.
7. Cõi đời đời của chúng ta sẽ như thế nào? Thiên đàng sẽ ra sao? Từ Khải huyền 21, tôi sẽ cung ứng cho quí vị bốn lẽ thật về thiên đàng.
I. Quan hệ mật thiết với Đấng Tạo Hoá của chúng ta được phục hồi (các câu 1-3).
A. Giăng nhìn thấy Trời Mới Đất Mới (câu 1).
1. Giăng nói: "Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới…". Xuyên suốt sách Khải huyền, chúng ta thấy cụm từ nầy được lặp đi lặp lại: "Tôi thấy". Đức Chúa Trời đã cho phép Giăng nhìn thấy sâu vào cõi tương lai vào cõi đời đời rồi ghi lại những gì ông đã nhìn thấy hầu cho chúng ta cũng được biết nữa.
2. Tôi không chắc lắm về những truyện tích nói Thánh Phierơ đang đứng ở cổng trời. Tôi không chắc lắm về những tường trình các kinh nghiệm lúc lâm chung và lơ lửng hướng về ngọn đèn trắng. Tôi có thể tin tưởng phần khải thị của Đức Chúa Trời ở đây trong Kinh thánh.
3. Từ ngữ thiên đàng đã được sử dụng khoảng 532 lần trong Kinh thánh. Từ ngữ nầy về mặt cơ bản có ý nói "một nơi rất cao" hay "những nơi cao". Khi một tín đố qua đời, người ấy đi đến "một nơi cao", người được nâng lên. Trong Cựu ước, chúng ta đọc về Hê-nóc. Sáng thế ký 5.24 chép: "Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi". Ông đã được nâng lên.
4. Giăng nói khi chúng ta học hỏi tuần vừa qua "đất thứ nhứt đã qua đi". Ông nói đã nhìn thấy "không còn có biển nữa". Đối với quí vị, những người mê lướt sóng cùng những thợ lặn có bình dưỡng khí, hãy tiếp thu một sở thích mới!
B. Giăng đã nhìn thấy thành Jerusalem Mới (câu 2).
1. Trên "đất mới" nầy, sẽ có "thành thánh, là Jerusalem Mới". Hiển nhiên là Giăng đã trông thấy thành ấy "từ trên trời mà xuống" hay giáng xuống từ trời. Thành nầy đã được "sửa soạn sẵn". Chúa Jêsus phán trong Giăng 14.2: "Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ".
2. Hãy chú ý, thành nầy đã được "sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình". Có nhiều hình bóng nói tới dân sự của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh. Chúng ta được gọi là đồng cỏ, nhà, đền thờ, và hội chúng hay Hội thánh của Ngài.
3. Một trong những hình bóng quen thuộc nhất, ấy là cô dâu. Tôi tin khi câu nầy nói về "thành" là cô dâu, nó đề cập tới nhiều công dân, chớ không phải thành phố. Tất cả những kẻ được chuộc trong mọi thời đại đều sẽ hiện diện để tôn vinh Chúa.
C. Giăng nhìn thấy Đức Chúa Trời với Con Người (câu 3).
1. Giăng nghe một "tiếng lớn" giải thích ý nghĩa của sự việc ấy. Tiếng ấy nói: "Đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người". Hãy gạch dưới hai mệnh đề trong câu nầy. Thứ nhứt: "Ngài sẽ ở với chúng" và thứ hai: "chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng". Đức Chúa Trời sẽ ngự trị. Chúng ta sẽ có một mối tương giao mật thíêt với Ngài.
2. Đức Chúa Trời bảo dân sự Ngài phải dựng một "đền tạm" một lều tạm trong đó sự hiện diện của Ngài sẽ ngự trị. Đức Chúa Trời ở với họ, nhưng chẳng có một quan hệ mật thiết nào với Ngài. Sự hiện diện của Ngài ở trong Nơi Chí Thánh, chỉ có Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm mới được vào đó và ông chỉ có thể vào đó một ngày trong năm.
3. Sau đó, khi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đầy dẫy đền thờ của Vua Solomon, một lần nữa sự hiện diện của Đức Chúa Trời đã ngự ở đó, nhưng dân sự chẳng có một quan hệ mật thiết nào với Ngài. Họ vẫn còn bị biệt riêng ra.
4. Tuy nhiên, khi Chúa Jêsus đến với đất, Kinh thánh nói về Ngài trong Giăng 1.14: "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở [sát nghĩa: ‘đền tạm’] giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha".
5. Vào dịp Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh ngự đến làm phép báptêm rồi ngự vào lòng các tín đồ. Ngài đã đến với "đền tạm" ở trong chúng ta. Chúng ta không thể với đến Đức Chúa Trời, nhưng Ngài ngự xuống cùng chúng ta.
6. Hết thảy chúng ta đều có một ước muốn được quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Môise đã nhìn thấy những công việc lớn lạ của Đức Chúa Trời khi Ngài giải cứu dân Israel ra khỏi vòng nô lệ ở Ai cập, dầu vậy ông vẫn kêu la: "Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!" (Xuất Êdíptô ký 33.18). Philíp đã đồng đi và trò chuyện với Chúa Jêsus, nhưng ông ao ước còn hơn thế nữa. Ông nói: "Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi" (Giăng 14.8).
Bất cứ đâu tôi đi đến, tôi đem theo hình ảnh của gia đình tôi. Những tấm ảnh nầy rất tuyệt vời, nhưng chúng vẫn chưa phải là đủ đâu. Thư điện tử cũng rất quan trọng, nhưng vẫn chưa phải là đủ. Một cú điện thoại quả là tốt rồi, nhưng như thế vẫn chưa đủ! Mọi sự nầy khiến cho tôi muốn được ở cùng với vợ con tôi hơn! Sự gặp gỡ nêu lên sự mất mát mối tương giao mật thiết.
7. Vua David vốn hiểu rõ điều nầy. Ông là "người vừa lòng Đức Chúa Trời" nhưng ông mong muốn một mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời càng hơn. Ông đã nói trong Thi thiên 17.15: "Còn tôi, nhờ sự công bình, tôi sẽ được thấy mặt Chúa; Khi tôi tỉnh thức, tôi sẽ thỏa nguyện nhìn xem hình dạng của Chúa".
8. Trong câu 3 của phân đoạn Kinh thánh gốc, chúng ta đọc: "đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở [sát nghĩa "đền tạm"] với chúng". Chúng ta sẽ có mối tương giao mật thiết với Đấng Tạo Hoá của mình. Những khao khát sâu sắc nhất ở trong lòng chúng ta sẽ được phu phỉ!
9. Đôi khi người ta đưa ra những thắc mắc dại dột về thiên đàng. Liệu con chó kiểng của tôi có mặt ở đó không? Ở đó có sân golf, bóng đá, dòng suối đầy cá hồi … ok hỡi quí bà, những siêu thị mua sắm không? Tôi không biết và đấy chẳng là vấn đề đâu. Tại sao? Vì trọng tâm của thiên đàng sẽ là sự hiện diện mật thiết của Đức Chúa Trời.
II. Thống khổ của loài thọ tạo được cất đi (các câu 4-5).
Chúng ta có thể hình dung thiên đàng sẽ như thế nào! Chúng ta có thể hiểu được điều chi sẽ diễn ra ở đó, vì vậy Đức Chúa Trời bắt đầu bằng cách nói cho chúng ta biết điều chi sẽ không có ở đó … tất cả đau khổ của đời nầy.
A. Sẽ không còn có nước mắt nữa (câu 4a).
1. "Tiếng lớn từ nơi ngai" nói trong câu 4: "Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng". Nếu quí vị suy gẫm về sự ấy, chúng ta đã được sanh ra trong nước mắt. Nỗi vật vã của mẹ chúng ta khi sanh con, đầm đìa nước mắt đau đớn khi chúng ta vào trong thế gian. Đáp ứng đầu tiên của chúng ta trong thế gian là kêu khóc, và đầy nước mắt.
2. Đồng đi với Đức Chúa Trời trong đời nầy là đồng đi với nước mắt. Không những chúng ta gánh chịu những gì là bình thường cho toàn thể nhân loại, chúng ta còn gánh chịu những sự thương khó của Đấng Christ nữa. Phaolô đã cầu nguyện rằng ông có thể nhận biết Đấng Christ trong "sự thông công thương khó của Ngài" (Philíp 3.10). Nôê đã chịu đựng sự bắt bớ khi lo đóng tàu. Ápraham lìa khỏi U-rơ xứ Canh-đê mà chẳng biết mình sẽ đi đâu. Hội thánh đầu tiên đã gánh chịu sự bắt bớ rất khủng khiếp. Đời sống đức tin là một đời sống đầy nước mắt.
Nước mắt đánh dấu đời nầy vì chẳng có gì thoả lòng trọn vẹn ở đây cả. Tôi thích câu chuyện kể về hai giọt nước mắt trôi nổi trên dòng sông. Giọt nước mắt nầy nói: "Tôi là nước mắt của một thiếu nữ yêu một người và chẳng giữ được người ấy". Giọt nước mắt kia trả lời: "Tôi là giọt nước mắt rơi từ một thiếu phụ đã giữ được người ấy".
3. Tôi hiểu rằng ống dẫn lệ của chúng ta được nối với các trung tâm cảm xúc trong não bộ. Chúng ta sẽ không có chúng trong loại thân thể vinh hiển vì chúng ta không cần đến chúng nữa.
4. Hãy chú ý cho cẩn thận rằng không những sẽ không còn có nước mắt hay "than khóc" hay "kêu ca" nhưng "Đức Chúa Trời sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng". Tôi nghĩ câu nầy có ý nói Đức Chúa Trời sẽ cất đi từng ký ức tội lỗi ra khỏi tâm trí của chúng ta.
Một cụ bà Cơ đốc nằm chờ chết vì chứng ung thư, thân thể bà đau đớn lắm. Ông chồng yếu đuối của bà cụ cúi xuống bên cạnh bà, để ý khi bà thở hơi cuối cùng và một giọt nước mắt lăn dài cạnh gương mặt của bà. Ông nói: "Cảm tạ Chúa, đấy là giọt nước mắt sau cùng mà bà ấy đã đổ ra".
B. Sẽ không có sự chết (câu 4b).
1. Tôi hình dung nỗi vui mừng của Hội thánh đầu tiên khi họ đọc được những lời nầy: "Sẽ không có sự chết nữa". Sự bắt bớ cho đến chết là rất thông thường đối với nhiều người trong số họ đến nỗi Tertillian đã viết rằng huyết của những người tuận đạo là hột giống của Hội thánh.
2. Trong kỹ nguyên thiên đàng sẽ chẳng có một đám tang nào cả. Tôi sẽ không còn đứng bên một quan tài nữa!
Tuần nầy tôi có đọc về một tiến trình gây lạnh để giữ cho người chết hy vọng sẽ được cứu sống với sự tiến bộ của khoa học [cryonics]. Khi thân thể của người chết được làm đông lạnh ở nhiệt độ –320 F. Họ hy vọng rằng sau đó kỹ thuật sẽ giúp cho họ làm tan nhiệt rồi làm cho bịnh nhân tỉnh dậy. Họ trả 100USD cho cả thân thể và 35.000USD chỉ cho cái đầu mà thôi. Họ đã làm việc nầy cho 15 người và hơn 200 người đã trả hơn thế nữa.
C. Sẽ không có than khóc (câu 4c).

Quí vị có từng nhuốm đau khổ chưa? Quí vị có từng thấy chán nãn chưa? Không phải ở trong thiên đàng đâu! Mỗi ngày chúng ta sẽ sống đầy dẫy trong sự vui vẻ của Chúa.
D. Sẽ không có đau đớn nữa (câu 4d).

Xứ sở của chúng ta tiêu ba tỉ đôla hàng năm cho các loại thuốc có tác dụng cao. Hầu hết trong số thuốc đó thuộc loại giảm đau. Quí vị sẽ không cần đến chúng trong thiên đàng.
E. Mọi sự sẽ được làm nên mới (câu 5).
1. Trong vườn Ê-đen, đã có Địa đàng. Không có một tội lỗi nào hết. Sáng thế ký cho biết rằng Đức Giêhôva đồng đi với Ađam và Ê-va vào lúc "lối chiều", đã có quan hệ mật thiết, mặt đối mặt tương giao với Đức Chúa Trời.
2. Đức Chúa Trời sẽ khiến cho "muôn vật" trở nên "mới" một lần nữa. Trong tiếng Hy lạp, có hai từ nói đến "mới". Một từ có ý nói một món đồ mới giống như áo sơ mi mới hay chiếc xe mới. Còn từ kia có nói khác một chút. Chúng ta sẽ sống trong một "loại trời và đất khác". Chúng ta sẽ có một "loại sự sống khác".
III. Tình trạng của thành là chói sáng (các câu 9-21).
Trong các câu 9-21, chúng ta được chỉ cho thấy về "thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống" (câu 10). Chúng ta không có thì giờ để xem xét sự chói sáng của thành trong từng chi tiết, nhưng hãy cho phép tôi chỉ ra những điểm nổi bật.
A. Phần mô tả Thành.
Một cô bé kia có một cuộc dạo chơi với bố mình vào buổi chiều kia. Rất đỗi kinh ngạc, cô bé nhìn lên những ngôi sao rồi hô lên: "Ôi, bố ơi, nếu phía bên nây thiên đàng đẹp như thế, con bên kia thì sao?!" Ở đây Giăng đang mô tả cho chúng ta thấy "mặt bên kia" của thiên đàng.
1. Chúng ta hãy đọc các câu 14-21. Hãy chú ý câu 21: "mỗi cửa bằng một hột châu nguyên khối làm thành". Tôi muốn nhìn thấy con trai mà có được những hột châu ấy! Điều nầy còn hoang tưởng hơn cả phim “Star Wars” [Chiến tranh trên các vì sao].
2. Thành "làm kiểu vuông" hay hình lập phương mỗi cạnh là "mười hai ngàn ếch-ta-đơ", tổng cộng 1.500 dặm vuông. Đây là khoảng cách tính từ bang Main đến bang Florida. Nó còn rộng hơn cả mặt trăng nữa!
3. Những đường phố không những chạy theo hàng dọc mà còn chạy theo hàng ngang nữa. Nhà khoa học Henry Morris đã cho rằng 20 tỉ người có thể ở trong thành nầy. Nếu 25% đất trong thành ấy được sử dụng để ở, mỗi người sẽ được 75 mẫu.
B. Hình ảnh của Thành.
Hãy tưởng tượng xem, nếu quí vị là một giáo sĩ đến với những làng thuôc vùng sâu vùng xa ở Nam Mỹ. Sau khi quí vị ở với họ trong một thời gian rồi bắt đầu truyền đạt cho họ bằng ngôn ngữ của họ, quí vị tìm cách mô tả cho họ biết thế giới mà quí vị để lại sau lưng. Quí vị mô tả như thế nào? Quí vị sẽ mô tả một cái tủ lạnh bằng cách chỉ cho họ dòng suối mát đang chảy cạnh ngôi làng. Cũng một thể ấy, những câu nầy nói trước về sự vinh hiển sắp được tỏ ra.
IV. Những hoạt động của cư dân được tóm lại (các câu 22-27).
Chúng ta hãy đọc các câu 24-26. Người được cứu trong thế gian sẽ "đi" với Đức Chúa Trời và với nhau. Đây sẽ là một sự sum họp. Tôi dám chắc chúng ta sẽ biết rõ nhau. Spurgeon đã thắc mắc không biết chúng ta có còn ngớ ngẩn trong thiên đàng hay không nữa!
A. Chúng ta sẽ ca hát! Khải huyền 5 cung ứng một phần mô tả rất đẹp về tất cả loài thọ tạo đều cất tiếng hát. Khi ấy HẾT THẢY chúng ta đều sẽ ca hát!
B. Chúng ta sẽ phục vụ! Hãy chú ý 22.3.
Khi Marco Polo, nhà du lịch Bắc Ý nổi tiếng vào thế kỷ thứ 13, đang nằm chờ chết, những kẻ phỉ báng ông bảo ông phải cút đi – rút lại những câu chuyện mà ông đã kể về Trung Hoa cùng những vùng đất thuộc Cận Đông. Nhưng ông từ chối, ông nói: "Tôi chưa nói được phân nửa những gì tôi đã trông thấy". Đối với một số người, những gì chúng ta đang có hôm nay là … "chưa có gì tốt hơn như thế nầy". Sự chọn lựa chúng ta đưa ra trong lúc bây giờ đang chi phối cõi đời đời. Hãy chú ý 21.6-8.

Sự phán xét tối hậu



CÓ HY VỌNG Ở ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
Sự phán xét tối hậu
Khải huyền 20.11-15; II Phierơ 3.3-13
1. Chuyện kể lại rằng vào cuối đời của vị chính khách lỗi lạc Daniel Webster, ông đang dùng bữa trưa với một số thành viên Quốc hội trẻ hơn ông. Một trong số họ đã hỏi: "Thưa ông Webster, đâu là tư tưởng lớn lao nhất từng xảy có trong lý trí của ông". Nhanh như một tia chớp, Daniel Webster đáp: "Việc tôi phải trình sổ với Đức Chúa Trời". Phần nghiên cứu của chúng ta về lời tiên tri trong Kinh thánh cần phải nhấn mạnh một điểm quan trọng; chúng ta sẽ trả lời với Đức Chúa Trời.
2. Phần học hỏi chính của chúng ta nằm trong một số phân đoạn đáng sợ nhất trong Kinh thánh. Nó kêu gọi con người phải đối diện với sự thực: cơn phán xét sắp xảy tới. Hê-bơ-rơ 9.27 chép: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét". Một trong những sự dối gạt hay nhứt của Satan, ấy là chẳng có phán xét chi hết. Tuy nhiên, mọi người sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời để trình sổ.
3. Qua mấy tuần vừa rồi, chúng ta đã bàn về các biến cố chính căn cứ theo dòng tiên tri trong Kinh thánh. Sự Cất Lên của Hội thánh, Ngai phán xét của Đấng Christ, Kỳ Đại Nạn, sự dấy lên của Antichrist, Sự đến lần thứ hai hay Sự Tái Lâm của Đấng Christ. Tuần vừa qua, chúng ta đã xem xét thời kỳ Thiên Hi Niên hay 1000 năm trị vì của Đấng Christ. Chúng ta gọi đây là Kỹ Nguyên Nước Trời.
4. Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét hai biến cố quan trọng sẽ diễn ra nơi phần kết thúc của Vương quốc Thiên Hi Niên. Thứ nhứt, chúng ta sẽ dành thì giờ nhắm vào Toà Phán Xét Lớn và Trắng và kế đó chúng ta sẽ mau mau nhắm tới Sự Hủy Diệt của Trời và Đất.
I. Toà Phán Xét Lớn và Trắng (Khải huyền 20.11-15).
A. Sự hiện thấy về Toà (câu 11a).
1. Giăng đã "thấy", ấy là Đức Chúa Trời đã cho phép Giăng nhìn thấy, dù bối cảnh hấp dẫn nầy hãy còn ở cuộc tương lai. Trung tâm của bối cảnh là "một toà lớn và trắng".
2. "Lớn" ra từ chữ megas có nghĩa là "rộng, cao, oai nghi". "Trắng" ra từ chữ leukos nghĩa là sáng láng. Giăng đã nhìn thấy một toà lớn hay ngai phán xét đang chiếu sáng rực với sự sáng láng màu trắng tinh.
3. Điều nầy nhắc cho tôi nhớ tới khải tượng của Êsai về ngai của Đức Chúa Trời trong Êsai 6.
4. Đây không những là khải tượng về một phòng có đặt ngai, mà còn là khải tượng về một phòng xử án nữa. Tuy nhiên, có một số khác biệt quan trọng giữa toà xử nầy và phòng xử án tương tự.
5. Như tôi đã nói, không có một ghế ngồi nào cho quan toà, thay vì thế chỉ có "một toà lớn và trắng". Không có một cuộc tranh luận nào về có tội hay vô tội. Mọi người đứng ở đây đều phạm tội. Có công tố nhưng không có một sự bào chữa nào cả. Không một lời bào chữa nào được đưa ra. Có một quan án nhưng chẳng có ban hội thẩm. Quan án là công bình cách trọn vẹn. Đây là bản án nhưng không có một sự chống án nào cả. Không có toà nào khác cao hơn. Đây là án phạt nhưng sẽ không hề có cam kết tha.
B. Quan án ngồi trên ngai (câu 11b).
1. Trọng tâm mặc khải của Giăng không đặt vào "ngai trắng lớn", thay vì thế đặt nơi "Đấng đang ngồi ở trên". Trong câu 12, chúng ta học biết rằng những kẻ bị xét đoán đều đang "đứng trước toà". Tôi khẳng định rằng Đấng đang ngồi trên ngai ấy chính là Đức Chúa Jêsus.
2. Quan Án là Chúa Jêsus, chính Ngài. Giăng 5.22 chép: "Cha cũng chẳng xét đoán ai hết, nhưng đã giao trọn quyền phán xét cho Con". Câu 27 của cùng chương ấy nói Đức Chúa Cha "đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con, vì là Con người".
3. Khi Phierơ nói với người nhà của Cọt-nây, ông nói trong Công vụ các Sứ đồ 10.42: "Lại Ngài đã biểu chúng ta khá giảng dạy cho dân chúng, và chứng quyết chính Ngài là Đấng Đức Chúa Trời đã lập lên để đoán xét kẻ sống và kẻ chết". Tương tự, Phaolô đã viết cho Timôthê ở II Ti-mô-thê 4.1: "Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng".
4. Phân đoạn Kinh thánh gốc của chúng ta đang nói tới Chúa Jêsus là Đấng đang ngồi trên ngai và phân đoạn ấy nói về Ngài: "trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa". Có lẽ đây là phần tham khảo nói tới sự hủy diệt trời và đất mà chúng ta sẽ bàn sau. Bởi câu nầy, một số người tin rằng sự phán xét nầy sẽ diễn ra trên không trung giữa trời và đất.
C. Người ta đứng trước ngai (các câu 12a, 13).
1. Chúa Jêsus phán xét ai khi Ngài ngồi trên "toà lớn và trắng?" Ngài phán xét "kẻ chết, cả lớn và nhỏ", những kẻ đang "đứng trước toà".
2. "Kẻ chết" là những kẻ đã chết mà chưa tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của họ.
3. Thậm chí họ "đã chết vì sự quá phạm và tội lỗi mình", nhưng họ sẽ được sống lại ra khỏi sự chết theo phần xác để đứng trước ngai. Hãy xem lại câu 5. Sau "một ngàn năm đã mãn" họ được sống lại để chịu phán xét.
4. Ở Giăng 5.29, Chúa Jêsus gọi đây là "sống lại để bị xét đoán". Là một vấn đề để suy gẫm, nếu thân thể của người tin Chúa được sống lại như loại thân thể vinh hiển, thì thân thể của người không tin Chúa sẽ giống với loại nào? Tôi không biết, nhưng họ sẽ khủng khiếp lắm. Đây là "sự sống lại để bị xét đoán".
5. Chúng ta biết rằng đây chỉ là sự phán xét dành cho những kẻ không tin Chúa vì sự sống lại của những người tin Chúa đã diễn ra rồi. Chúng ta thấy họ trong các câu 4-5.
6. Thêm nữa, chúng ta biết rằng chẳng có một người tin Chúa chơn thật nào sẽ đứng chịu phán xét cả. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 5.24: "Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống".
7. Hãy chú ý, họ được gọi là "cả lớn và nhỏ". Tôi nghĩ điều nầy có ý nói họ là những người không tin Chúa từ mọi ngả đường của cuộc sống. Họ là "nhỏ" (mikros)"lớn" (megas) trong thế giới tài chính, quyền lực, chính trị, được tính quần chúng, khả năng theo phần xác và từng ý niệm khác.
8. Những ông triệu phú sẽ đứng bên cạnh kẻ vô gia cư. Những ngôi sao điện ảnh sẽ đứng bên cạnh các bà nội trợ tầm thường. Các ông tổng thống, chủ tịch, những tiểu vương, vua chúa sẽ đứng bên cạnh mấy ông thợ hàn ống nước, những vị thủ tướng lâm thời và những gã đánh xe ngựa độc mã ở Wal-Mart sẽ đứng cạnh nhau.
9. Hết thảy số người nầy sẽ có chung với nhau một việc. Họ đã từ chối sự ban cho của Đức Chúa Trời về sự sống đời đời qua Đức Chúa Jêsus Christ, là Con của Ngài. Chỉ có hai loại người, những ai đang ở trong Đấng Christ và những kẻ tách rời khỏi Đấng Christ.
10. Câu 13 chép: "Biển đem trả những người chết mình chứa" và theo hình bóng "Sự chết và âm phủ" cũng "đem trả những người chết mình có". Từng người qua đời không có Chúa Jêsus sẽ "sống lại" vì mục tiêu phải đối mặt với sự phán xét của Đức Chúa Trời.
D. Các sách ở trước ngai (câu 12b).
1. Trước tiên Giăng nói: "Các sách thì mở ra". "Các sách" nào? Ở cuối câu, chúng ta học biết rằng những kẻ chết mà chưa được cứu nầy "bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy". Ở cuối câu 13, chúng ta học biết rằng họ "bị xử đoán tùy công việc mình làm". Tôi cho rằng "các sách" đã được mở ra trước ngai có chứa những câu chuyện ghi những việc làm của họ.
2. Trong câu cuối cùng sách Truyền đạo của Solomon, chúng ta đọc: "Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy" (Truyền đạo 12.14).
3. Trong Rôma 2.16, Phaolô đã viết về "… ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin Lành tôi".
4. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 12.36: "Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói".
Hãy suy nghĩ về khả năng bảo quản hành động cùng lời nói của con người. Ngay bây giờ, giọng nói của tôi đã được ghi âm lại. Thực vậy, giọng nói ấy không được ghi âm trên hệ thống định lượng vật lý, mà trên một đĩa kỹ thuật số cỡ vừa. Chúng ta có thể tạo hình ảnh theo kỹ thuật số, gắn chúng vào email rồi gửi chúng qua bên kia thế giới chỉ trong một vài phút thôi. Nếu con người có được những kỹ thuật đáng kinh ngạc như thế giúp chúng ta bảo tồn được những hành động cùng các lời nói của con người, chúng ta không thể hình dung ra khả năng của Đức Chúa Trời khi gợi lại "từng việc kín nhiệm" trong ngày phán xét.
D.L. Moody, nhà truyền đạo nổi tiếng thường nói rằng nếu ai đó phát minh ra máy quay phim có thể thu hình ảnh trong tấm lòng của con người (tâm linh, chớ không phải cái bơm máu) nhà phát minh đó sẽ đói mà chết vì chẳng ai muốn những bí mật của họ bị bày ra. Đức Chúa Trời sẽ bày ra mọi bí mật của con người tại toà lớn và trắng.
5. Không những Giăng nhìn thấy "các sách" đang "mở ra", ông còn nhìn thấy "một quyển sách khác nữa, là sách sự sống". Quyển "sách sự sống" được đề cập tới trong Tân Ước khoảng 8 lần và 3 lần trong Cựu Ước mặc dù đặc biệt không bằng những từ ngữ nầy.
6. Hiển nhiên là có hai quyển sách sự sống. Một quyển được hiểu là sách ghi tên tuổi những người còn đang sống. Tên tuổi của quí vị đã được ghi ra trong quyển sách nầy hôm nay. Nó sẽ còn ở đó cho tới chừng quí vị qua đời và rồi nó sẽ bị bôi đi.
7. Quyển sách Sự sống kia là Sách sự sống của Chiên Con. Quyển nầy chứa tên tuổi của những người đã được cứu bởi ân điển của Chúa Jêsus.
8. Khải huyền 13.8 thuật lại cho chúng ta biết, trong suốt Kỳ Đại Nạn, nhiều người sẽ thờ lạy Antichrist và họ là những kẻ "tên của họ không được ghi trong sách sự sống của Chiên Con bị giết từ buổi sáng thế".
9. Sách sự sống chứa tên tuổi của những người có sự sống theo phần xác ở trên đất. Sách sự sống của Chiên Con chứa tên tuổi của những người có sự sống thuộc linh trong Đấng Christ.
10. Những toà án cổ xưa không những giữ lấy thành tích của tội phạm, mà còn giữ thành tích của hạng công dân trung thành với hoàng gia nữa.
11. Trong Xuất Êdíptô ký 32.33, Đức Chúa Trời phán với Môise: "Kẻ nào phạm tội cùng ta, ta sẽ xóa nó khỏi sách ta". I Giăng 5.16 chép: "Cũng có tội đến nỗi chết".
12. Nói cách khác, điều nầy là khả thi vì cớ tội lỗi, tên tuổi của một người bị cất ra khỏi sách sự sống. Tuy nhiên, tên tuổi của quí vị bị cất ra khỏi sách sự sống của Chiên Con là điều bất khả thi.
13. Những gì chúng ta xem thấy trong phân đoạn Kinh thánh gốc là loại kiểm tra hai lần. Những kẻ vô tín được đem đến trước mặt Chúa và "các sách" ghi mọi "việc làm" của họ đã được mở ra. Họ được tuyên bố là hạng tội nhân thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Khi ấy Đức Chúa Trời có quyển "Sách sự sống" mở ra lần cuối cùng. Mặc dầu Ngài đã kiểm hai lần để biết chắc rằng tên của một người không bị ân điển của Chúa Jêsus che phủ. Vì người ấy đã chối bỏ Con Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời chối bỏ người và người bị "quăng xuống hồ lửa".
E. Sự phán xét của Ngai (các câu 14-15).
1. Câu 14 chép: "Sự Chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa". Người nào đã qua đời và bị đi địa ngục hay "âm phủ" sẽ được sống lại, bị xét đoán, và bị quăng xuống nơi có sự báo ứng: "hồ lửa". Giăng thêm: "Hồ lửa là sự chết thứ hai". Đọc lại câu 6!
2. Câu 15 chép cùng một việc theo một cách khác: "Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa". "Hồ lửa" là hồ gì?
3. "Hồ lửa" chưa phải là sự hủy diệt hoàn toàn đâu! Còn nhiều nữa kia. Antichrist cùng các tiên tri giả đã bị quăng vào đó cả ngàn năm rồi (câu 10).
4. "Hồ lửa" không phải là một biểu tượng, đó là một địa điểm, một nơi chốn. Kinh thánh sử dụng nhiều từ ngữ để mô tả một nơi hình khổ đời đời: "lửa đời đời", "nơi sâu bọ không hề chết, và lửa không hề tắt", "hồ cháy với lửa và lưu huỳnh", một nơi "khóc lóc và nghiến răng", "lửa không hề tắt", "lò lửa hừng", "tình trạng đen tối của bóng tối tăm", và là nơi mà ở đó "khói của sự hình khổ bay lên cho đến đời đời; và ngày đêm chúng sẽ chẳng được yên nghỉ". Sự mô tả về địa điểm nầy có thể là biểu tượng, nhưng tôi chẳng tìm được yên ủi ở đó. Nếu phần mô tả là biểu tượng, chính cái biểu tượng ấy còn tệ hại hơn chúng ta có thể mô tả nữa.
5. Bây giờ hãy đọc 21.1. Theo sau sự phán xét tại toà lớn và trắng, Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt "trời thứ nhứt và đất thứ nhứt".
II. Sự huỷ diệt Trời và Đất (II Phierơ 3.3-13).
A. Điều nầy cung ứng cho chúng ta một phần mô tả về ngày nay (các câu 3-7).
1. Ngày nay có HÌNH THỨC HOÀI NGHI (các câu 3-4a). Chữ "gièm chê" có ý nói "là con nít, chơi với một thứ gọi là đồ chơi". Họ hỏi với sự đùa cợt lời tiên tri của Đức Chúa Trời: "Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu?"
2. Ngày nay có CHỦ THUYẾT THEO KHOA HỌC (câu 4b). Các nhà khoa học nói: "muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế…". Thuyết nầy được gọi là uniformitarianism và cơ bản nó nói rằng các luật lệ trong thiên nhiên không thể thay đổi được.
3. Ngày nay vẫn còn có LẼ THẬT THEO KINH THÁNH (các câu 5-7). Những kẻ vô tín nầy "cố ý quên lửng" việc Đức Chúa Trời đã dựng nên đất rồi tiếp đến khiến cho "thế gian bấy giờ" cũng bị hủy phá "bị chìm đắm bởi nước lụt". Họ bất chấp lời hứa trong câu 7 rằng cả hai: trời và đất giờ đây được Đức Chúa Trời "bảo tồn", mà còn được "để dành" cho "lửa đốt nó đi trong ngày phán xét".
B. Điều nầy cung ứng cho chúng ta một dự kiến về ngày mai (các câu 8-13).
1. Thứ nhứt, hãy chú ý SỰ KIÊN NHẪN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (các câu 8-9). Đức Chúa Trời không hành động theo kế hoạch của chúng ta. Một "ngàn năm" đối với chúng ta chỉ là một "ngày" đối với Ngài. Nếu dường như tận thế bị trễ nãi, sở dĩ như thế là vì Đức Chúa Trời "lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn". Chớ có dại dột, Đức Chúa Trời không phải là "chậm trễ về lời hứa của Ngài" đâu.
2. Thứ hai, hãy chú ý NHỮNG TIÊN ĐOÁN TRƯỚC CỦA Đức Chúa Trời (các câu 10-13). Hệ thống thái dương hệ sẽ "qua đi". Qua đi có nghĩa là "vèo qua như tên bắn". Chúng sẽ qua đi! "Các thể chất" trong cấu trúc nguyên tử, năng lượng và thời gian sẽ "bị đốt và tiêu tán". Đất cùng mọi công trình của nó "đều sẽ bị đốt cháy cả" (đối chiếu Hê-bơ-rơ 1.10-12).
C. Điều nầy cung ứng cho chúng ta một dự kiến về tương lai (các câu 11-13).
1. Sự hiểu biết của chúng ta về lời tiên tri sẽ khuyến khích ĐỜI SỐNG TIN KÍNH (câu 11).
2. Sự hiểu biết của chúng ta về lời tiên tri sẽ làm cho sụp đổ CHỦ NGHĨA ÍCH KỶ THIÊN VỀ VỚI VẬT CHẤT (các câu 10-11).
3. Sự hiểu biết của chúng ta về lời tiên tri sẽ khuyến khích một SỰ TRÔNG ĐỢI TRÀN NGẬP HY VỌNG.
Albert Einstein đã nói: "Tôi chưa hề suy nghĩ đến tương lai. Không bao lâu nữa nó sẽ đến". Chúa Jêsus phán trong Mathiơ 24.35: "Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi". Sự phán xét tối hậu của Đức Chúa Trời sắp xảy đến. Chúng ta nên suy nghĩ về sự ấy ngay hôm nay.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Đếm ngược thiên niên kỷ



CÓ HY VỌNG Ở ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
Đếm ngược thiên niên kỷ

Khải huyền 20.1-10
1. Chúng ta đang bám sát vào vấn đề của lịch sử. Trong vòng hai tháng, chúng ta sẽ bước vào một Năm Mới, một thập niên mới, một thế kỷ mới và ngay cả một thiên niên kỷ mới. Dầu chúng ta sống thọ như Mê-tu-sê-la, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy một chuyển tiếp về niên đại nữa. Nhiều người bị kéo vào "cơn sốt thiên niên kỷ". Đối với một số người tân thiên niên kỷ là một thời kỳ dành cho hoan lạc của trọn một đời. Đối với nhiều người khác, đây là thời kỳ sợ hãi vì sự cố máy tính Y2K. Người nào theo triết học sẽ nhìn ngày 1 tháng Giêng năm 2000 chỉ là một ngày khác mà thôi. Dầu viễn cảnh của quí vị có là gì đi nữa, quí vị biết rõ chúng ta đang đếm ngược nhiều ngày cho đến tân thiên niên kỷ.
2. Có phải quí vị biết rõ Kinh thánh nói tới một tân thiên niên kỷ không? Trong khi từ ngữ đặc biệt "thiên niên kỷ" không được sử dụng, chúng ta thấy trong phân đoạn Kinh thánh gốc một tham khảo đến một "ngàn năm", một thời kỳ đặc biệt vẫn còn trong tương lai. Tất nhiên là quí vị hiểu từ ngữ thiên niên kỷ có ý nói tới thời kỳ một ngàn năm giống như thế kỷ đề cập tới 100 năm vậy.
3. Có phải tân thiên niên kỷ đi trước chính thời kỳ đã được nói ra trong phân đoạn Kinh thánh gốc của chúng ta không? Không, không phải đâu. Làm sao tôi biết được? Vì Kinh thánh nói trước một vài biến cố phải diễn ra trước thiên hi niên theo Kinh thánh. Chúng ta đã nghiên cứu các biến cố nầy trong mấy tuần qua, nhưng xin cho phép tôi mau mau ôn lại chúng một lần nữa.
A. Chúng ta đang sống ở cuối một thời kỳ được biết là KỶ NGUYÊN HỘI THÁNH, một thời kỳ khi Chúa Jêsus lo gây dựng Hội thánh của Ngài, kêu gọi người ta từ mỗi nước nên tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa.
B. Hội thánh sẽ kết thúc với SỰ CẤT LÊN, "sự trông cậy hạnh phước" khi hết thảy các tín đồ thật sẽ được "cất lên" với Chúa Jêsus trên không trung, còn những kẻ không tin bị bỏ lại ở đàng sau.
C. Một thời gian ngắn sau sự cất lên, sẽ có một thời kỳ 7 năm được biết trong Kinh thánh là KỲ ĐẠI NẠN. Đây sẽ là một thời kỳ rất khó khăn. Một kẻ cai trị cấp thế giới thuộc Satan được biết là ANTICHRIST sẽ dấy lên. Trong nửa phần sau của 7 năm nầy, Đức Chúa Trời sẽ đổ cơn thạnh nộ của Ngài ra giáng trên những kẻ chối bỏ Ngài.
D. Thời kỳ nầy sẽ kết thúc với một biến cố được gọi là SỰ ĐẾN LẦN THỨ HAI hay SỰ TÁI LÂM. Chúa Jêsus sẽ tái lâm đúng nghĩa theo phần xác trên đất. Ngài sẽ không đến như một con trẻ nữa, mà như một vì Vua chinh phục.
E. Khi ấy Ngài sẽ mở ra một thời kỳ được gọi là SỰ TRỊ VÌ NGÀN NĂM hay KỶ NGUYÊN VƯƠNG QUỐC. Chúa Jêsus sẽ trị vì trên đất trong 1.000 năm. Đây là phần nghiên cứu của chúng ta hôm nay.
4. Chúng ta hãy xem xét bốn phương diện của Vương quốc trong thời kỳ thiên hi niên và kế đó hãy tiếp thu các bài học sau cùng hôm nay.
I. Kẻ thù bị xiềng (các câu 1-3).
A. Satan là điều ác đã được nhân cách hoá.
1. Nhiều người ngày hôm nay không tin vào điều ác đã được nhân cách hoá. Họ nói tới điều ác đang ở trong thế gian, hoặc điều ác chắc chắn đang ở trong con người nào đó. Họ chế giễu quan niệm nói tới Satan hay ma quỉ rồi bày ra các hình ảnh biếm hoạ về con người nhỏ thó màu đỏ với những cái sừng cầm cây chỉa ba.
2. Kinh thánh biết Satan là sự nhân cách hoá của điều ác và là kẻ thù tối hậu của Đức Chúa Trời. Hắn nguyên được gọi là Lucifer, là "con trai của sáng sớm". Có lẽ hắn là thiên sứ lớn nhất và xinh đẹp nhất trong số các thiên sứ của Đức Chúa Trời, hắn đã lãnh đạo một phần ba đạo binh ở trên trời trong cuộc nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời và bị ném bỏ ra khỏi thiên đàng. Hắn tấn công kiệt tác trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, là con người ở trong Vườn Ê-đen.
3. Hắn là nguyên nhân gây ra điều ác trong thế gian ngày nay. I Phierơ 5.8 cảnh cáo: "Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được".
4. Êphêsô 6.11 chép: "Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ". Là tín đồ, chúng ta đừng bao giờ xem thường kẻ thù của chúng ta.
5. Từ khi Satan là điều ác đã được nhân cách hoá, thì chỉ cần biết rõ rằng hắn sẽ bị cất đi trước khi sự bình an ngự trị trên đất. Đấy là chung điểm của ba câu đầu tiên nầy.
B. Thiên sứ và xiềng xích (câu 1).
1. Giăng đã "thấy một thiên sứ từ trời xuống". Chỉ có 3 thiên sứ được nói tới bằng tên trong Kinh thánh. Lucifer, Gabriel và Michael. Lucifer tất nhiên là Satan. Chúng ta không biết đây là thiên sứ nào, nhưng phần việc của Ngài là xiềng Satan lại.
2. Ngài có "chìa khoá của vực sâu" và cũng có "một cái xiềng lớn trong tay". Tôi không biết loại xiềng nào sẽ được dùng để xiềng Satan lại, nhưng tôi không nghĩ Đức Chúa Trời sẽ chịu khó đánh nhau với một thiên sứ.
C. Thời gian và địa điểm (các câu 2-3a).
1. Câu 2 nói rằng thiên sứ "bắt con rồng, tức là con rắn đời xưa, là ma quỉ, là Sa-tan". Ngài bắt lấy hắn rồi "xiềng nó lại" với sợi dây xích "trong một ngàn năm" hay một thiên niên kỷ.
2. Hãy tưởng tượng "một ngàn năm" không có ma quỉ xem. Hãy tưởng tượng thế gian không có các ảnh hưởng của ma quỉ xem. Chúng ta có thể khó tưởng tượng được một thế giới không có các thế lực của ma quỉ đang vận hành.
3. Hắn được đem bỏ vào "vực sâu". Chỗ nầy có nghĩa là một "nơi không có chiều sâu". Ở đó thiên sứ "quăng nó xuống vực" rồi "niêm phong lại". Hắn không thể thoát đi đâu được nữa. Tại sao điều nầy xảy ra? "Hầu cho nó không đi lừa dối các dân được nữa, cho đến chừng nào hạn một ngàn năm đã mãn".
D. Thời gian xiềng và sự phóng thích (câu 3b).
1. Câu 3 cho chúng ta biết khoảng thời gian Satan bị tù là "một ngàn năm" rồi sau "những việc nầy hắn cũng phải được thả trong ít lâu". Đọc các câu 7-10.
2. Mặc dù có người sẽ nghĩ Satan là nguồn tội ác duy nhất trong thế gian, có 3 nguồn cả thảy. SATAN tất nhiên là nguồn thứ nhứt. Kế đó có HỆ THỐNG THẾ GIANXÁC THỊT. Trong thời kỳ thiên hi niên, Satan sẽ bị cất đi. Chúa Jêsus sẽ trị vì trên đất, vì vậy hệ thống thế gian cũng sẽ bị cất đi. Nguồn duy nhứt của tội ác bị bỏ lại trong thế gian sẽ nằm trong chính xác thịt của chúng ta.
3. J. Dwight Pentecost viết: "Con người sẽ bị đặt dưới những hoàn cảnh lý tưởng nhất. Với mọi nguồn cám dỗ bên ngoài đã bị cất bỏ đi, trong khi Satan bị xiềng xích, và từng nhu cần được chu cấp cho, hầu cho họ không thèm muốn một điều gì cả, sự ấy sẽ được chứng nghiệm qua những kẻ ra đời trong thời kỳ thiên hi niên với bổn tánh tội lỗi sa ngã mà con người bị đồi bại và xứng đáng với sự phán xét. Mặc dù sự hiện diện thấy được bằng mắt thường của nhà Vua và các ơn phước đến từ nơi Ngài, bởi sự loạn nghịch vào cuối thời kỳ thiên hi niên, loài người sẽ minh chứng tấm lòng đang đồi bại".
II. Những thánh đồ cai trị (các câu 4-6).
Khi Giăng tiếp tục mô tả sự hiện thấy của mình, ông nói ông "thấy những ngai" và những người đang "ngồi trên ngai". Ông tiếp tục nói rằng số người nầy đang ngồi trên ngôi cùng với nhiều người khác được "sống và trị vì với Đấng Christ trong một ngàn năm". Điều nầy làm phát sinh hai câu hỏi quan trọng.
A. Ai sẽ đồng trị với Đấng Christ?
1. Chúng ta biết rằng những người "ngồi trên ngai" đã trị vì cùng với Đấng Christ. Họ là ai vậy? Tôi tin họ là những tín đồ của kỷ nguyên hiện tại nầy, những người trong chúng ta, là những người dựng nên thân thể của Đấng Christ trong kỷ nguyên Hội thánh nầy.
2. Trong 19.14, chúng ta thấy "các đạo binh trên trời, đều mặc vải gai mịn , trắng và sạch".
3. Chúa Jêsus đã quyết đoán với các môn đồ Ngài rằng họ sẽ đồng trị với Ngài. Ngài phán trong Mathiơ 19.28: "Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đến kỳ muôn vật đổi mới, là khi Con người sẽ ngự trên ngôi vinh hiển của Ngài, thì các ngươi là kẻ đã theo ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi, mà xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên".
4. Khi xử lý với vấn đề được đem ra tranh cãi giữa vòng các tín đồ, Phaolô hỏi trong I Côrinhtô 6.2: "Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao? Ví bằng thế gian sẽ bị anh em xét đoán, thì anh em há chẳng đáng xét đoán việc nhỏ mọn hơn sao?"
5. Tôi thích II Timôthê 2.11-12: "Lời nầy chắc chắn lắm: Ví bằng chúng ta chết với Ngài, thì cũng sẽ sống với Ngài; lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta".
6. Trong Khải huyền 5.9-10, các trưởng lão mô tả "những lời cầu nguyện của các thánh" đứng quanh ngai của Đức Chúa Trời, họ nói: "vì Ngài đã chịu giết lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất".
7. Tôi tin Kinh thánh nói rõ ràng rằng họ, những kẻ ngồi trên "những ngai" là các tín đồ xuất thân từ kỷ nguyên nầy. Phần còn lại nắm quyền cai trị là ai? Hãy chú ý phần còn lại của câu 4.
8. Không những Giăng đã nhìn thấy những người ngồi trên các ngai, mà còn nhìn thấy "linh hồn những kẻ đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus và vì lời Đức Chúa Trời, linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó, hoặc trên trán hoặc trên tay". Đây là các thánh đồ trong Kỳ Đại Nạn.
9. Số người nầy đã được cứu trước sự Cất Lên và chịu tin nơi Chúa Jêsus trong những sự phán xét của Kỳ Đại Nạn. Phần nhiều người trong số họ là những kẻ tuận đạo. Hãy xem lại ở 6.9-11. 7.4 nói tới 144.000 người Israel đã được đóng ấn. Sẽ có nhiều, nhiều người được cứu trong kỳ đại nạn. Chúng ta hãy đọc 7.9-10.
B. Sự cai trị sẽ như thế nào?
1. Câu 5 cho chúng ta biết rằng các thánh trong kỷ nguyên Hội thánh và các thánh trong kỳ đại nạn đều có phần trong "sự sống lại thứ nhứt". Câu 6 chép: "sự chết thứ nhì" hay sự phán xét đời đời sẽ "chẳng có quyền gì" trên chúng ta. Chúng ta sẽ được "phước""thánh". Chúng ta sẽ là "thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ". Chúng ta sẽ "trị vì với Ngài trong một ngàn năm".
2. Chúng ta sẽ trị vì cách ngay thẳng và công bình vì chúng ta sẽ được tự do ở ngoài mọi tác dụng của tội lỗi. Có lẽ mọi tầm cở sự trị vì của chúng ta sẽ được quyết định bởi những phần thưởng của chúng ta.
3. Trong Thí dụ về các ta-lâng của Chúa Jêsus, ông chủ nói với những đầy tớ trung tín: "Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi…" (Mathiơ 25.21,23).
4. Thân thể của chúng ta sẽ giống như thân thể của Chúa phục sinh (1 Giăng 3.2; I Côrinhtô 15). Chúng ta sẽ có thể đi đó đi đây cách nhanh chóng, ăn uống, và đi xuyên qua những nơi bị ngăn cách. Chúng ta sẽ có một chức vụ thuộc linh trong vai trò "thầy tế lễ của Đức Chúa Trời".
5. Như một chú thích bên lề, tôi không nghĩ sẽ có những em bé hay những em thiếu nhi. Dường như rõ ràng là chúng sẽ được biến thành những người lớn vì làm sao những trẻ em hay trẻ mới biết đi trị vì cho được?
III. Sự sống trong Vương quốc.
Trước khi chúng ta xếp lại sứ điệp nầy nói về Vương quốc thiên hi niên, tôi nghĩ chúng ta nên để ra một vài phút xem qua một vài phân đoạn Kinh thánh khác, ở đó cung ứng cho chúng ta một số ý tưởng cho thấy sự sống trên đất sẽ như thế nào trong thời kỳ ấy.
Phần nhiều lời tiên tri của Êsai có liên quan tới Kỷ nguyên Nước Trời. Chúng ta hãy bắt đầu với 9.6-7. Chúng ta thường đọc phân đoạn nầy trong suốt mùa lễ Giáng Sinh, nhưng sự ứng nghiệm trọn vẹn của nó là Nước Trời.
A. THIÊN NHIÊN trong Vương quốc thuộc thời kỳ thiên hi niên. Vì cớ sự rủa sả tội lỗi đã bị cất bỏ đi, thiên nhiên sẽ trở lại với tình trạng giống như trong vườn Ê-đen. 4.4-6 nói tới một "cái màn che" giống như "khoảng không" trước nước lụt. 11.6-9 nói tới những khác biệt to lớn trong thế giới loài vật. Thiên nhiên sẽ trở nên mới tinh khôi.
B. KINH TẾ trong Vương quốc thuộc thời kỳ thiên hi niên. Không một ai sẽ nghèo khó hay đói khát trong suốt Kỷ nguyên Nước Trời. Chúng ta hãy xét qua 35.1-2, 6b-7; 65.21-23. Mọi thứ tốt lành sẽ có trong sự dư dật.
C. SỨC KHOẺ trong Vương quốc thuộc thời kỳ thiên hi niên. Sẽ chẳng có một bịnh viện nào vì chẳng còn có một thứ tật bịnh nào nữa cả. Hãy xem lại 33.24; 35.5-6a; 65.20. Dường như nhiều người trong số họ đã chào đời trong Nước Trời sẽ sống trong đó. Tang chế sẽ bị giảm thiểu rất nhiều!
D. SỰ CÔNG BÌNH trong Vương quốc thuộc thời kỳ thiên hi niên. Chúa Jêsus Quan Án Công Bình sẽ ngự trên ngôi. Sẽ chẳng có chiến tranh hay tiếng đồn về chiến tranh. Lời lẽ trong Êsai 2.4 được thấy có trong toà nhà Liên Hiệp Quốc sẽ trở nên thực chỉ khi: "Ngài sẽ làm sự phán xét trong các nước, đoán định về nhiều dân. Bấy giờ họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến tranh".
E. TÌNH TRẠNG THUỘC LINH trong Vương quốc thuộc thời kỳ thiên hi niên. Hãy tưởng tượng ra một thế giới mà ở đó từng đài phát thanh và truyền hình, từng tạp chí, từng tờ báo, từng quyển sách tay, từng quyển tiểu thuyết sẽ tựu trung vào Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ. Êsai 11.9 chép: "vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che lấp biển”.
IV. Kẻ thù bị định tội (các câu 7-10).
A. Khi thiên niên kỷ trị vì trên đất của Đấng Christ đã "mãn" hay đến mức cuối cùng, vua chúa của bóng tối tăm sẽ được "thả ra khỏi ngục mình". Một lần nữa kẻ dối gạt sẽ "dỗ dành dân ở bốn phương trên đất" và ngay sau sự trị vì của Đấng Christ, hắn sẽ có quyền "nhóm chúng lại để chiến tranh, đông như cát bờ biển". Có những người ra đời trong Vương quốc ngàn năm, họ chẳng tin cậy nơi Đấng Christ.
B. Khi đạo binh nầy ụp đến vây chung quanh "dinh thánh đồ và thành thánh [Jerusalem]" Kinh thánh nói "lửa từ trên trời rơi xuống tiêu diệt chúng nó". Đây là sự hủy diệt tối hậu.
C. Khi ấy ma quỉ, Satan sẽ bị "quăng xuống hồ lửa và diêm" ở đó "con thú [antichrist] và tiên tri giả" đã bị nhốt ở đó rồi và chúng sẽ "phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời".
D. Satan sẽ trở thành kẻ thù rất xảo quyệt và có quyền lực, nhưng hắn là một kẻ thù đã bị đánh cho bại trận! Những ngày của hắn đã được đếm cả rồi!
V. Những bài học sau cùng cho hôm nay.
A. Đức Chúa Trời là Đấng Giữ Đúng Lời Hứa. Những gì Đức Chúa Trời đã phán ra Ngài sẽ làm thành. Phần nhiều các lời tiên tri trong Kinh thánh đã được ứng nghiệm rồi. Chỉ còn là vấn đề thời gian nữa thôi, cho tới khi nào những việc nầy xảy ra. Đức Chúa Trời cũng sẽ giữ mọi lời hứa của Ngài theo cách riêng đối với quí vị nữa đấy.
B. Nếu Đấng Christ ngự trị trong lòng quí vị trong lúc bây giờ, vậy thì quí vị sẽ đồng trị với Ngài. Số phận đời đời của chúng ta không dựa trên chúng ta có thể sống hơn đức như thế nào hay chúng ta làm lành ra sao. Thay vì thế, số phận ấy dựa trên mối tương giao của chúng ta với Đấng Christ.
C. Tình trạng của tấm lòng quan trọng hơn tình trạng của môi trường. Sẽ có nhiều người chối bỏ Đấng Christ ngay trong một môi trường mới tinh khôi.
Một viên quản lý trong cửa hàng siêu thị lớn đã có một số búp bê con trẻ Jêsus chưa bán hết trong dịp Lễ Giáng Sinh. Với nổ lực muốn bán cho hết hàng, ông at đặt một tấm bảng ở trước chúng, bảng hiệu ấy ghi như sau: "Đức Chúa Jêsus Christ, giảm giá 50%, hãy tiếp lấy Ngài khi bạn còn có dịp". Quả là lời khuyên rất tốt cho chúng ta hôm nay!

NHÀ VUA TÁI LÂM



CÓ HY VỌNG Ở ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
NHÀ VUA TÁI LÂM
Khải huyền 19.11-21
1. Billy Graham nói tới một câu đề tặng trong toà lâu đài nguy nga của thủ đô nước chúng ta ở Washington D.C., rất ít người từng đọc nó. Câu nói viết như sau: "Toàn bộ loài thọ tạo đang hướng tới một biến cố thiêng liêng rất xa xưa". Khi người ta hỏi hướng dẫn viên du lịch câu nói ấy có nghĩa gì, họ nói câu ấy chỉ ra Sự Tái Lâm Của Đấng Christ. Khi thủ đô được dựng lên, một số viên chức chính phủ kính sợ Đức Chúa Trời đã ra lịnh khắc câu nói đó vào mái vòm rõ ràng họ tin Sự tái lâm của Đấng Christ là một lẽ thật quan trọng cho xứ sở chúng ta.
2. Trong mấy tuần lễ qua, Kinh thánh khiến chúng ta phải nhìn tới tương lai và nghiên cứu một số biến cố sắp xảy đến. Chúng ta đã học biết rằng chúng ta đang sống ở cuối KỶ NGUYÊN HỘI THÁNH, một thời kỳ khi Chúa Jêsus kêu gọi người ta đến với chính mình Ngài. Thời kỳ nầy sẽ kết thúc với SỰ CẤT LÊN khi tất cả các tín đồ thực sẽ được "cất lên" để gặp Chúa. Về thời kỳ ấy, là thời kỳ ai cũng biết là KỲ ĐẠI NẠN hay "tuần lễ thứ 70 của Đaniên" sẽ bắt đầu ở đây trên đất. Trong 7 năm Đức Chúa Trời sẽ giáng sự phán xét và cơn thạnh nộ trên những kẻ vô tín. Trong suốt thời kỳ ấy sẽ dấy lên một kẻ cai trị cấp thế giới thuộc Satan, được biết là ANTICHRIST. Kỳ Đại Nạn sẽ kết thúc với SỰ ĐẾN LẦN THỨ HAI hay SỰ TÁI LÂM của Đức Chúa Jêsus Christ.
3. Đề tài của chúng ta hôm nay là Sự Đến Lần Thứ Hai của Đấng Christ. Chữ "đến" đồng nghĩa với "sự tái lâm". Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xem xét các yếu tố chính trong lần đến đầu tiên của Chúa Jêsus. Kế đó, chúng ta sẽ đối chiếu Sự Cất Lên với Sự Tái Lâm và sau cùng chúng ta sẽ quan sát kỹ các chi tiết của Sự Tái Lâm.
I. Xem xét lần đến đầu tiên của Chúa Jêsus.
Chúng ta mở ra ở Giăng chương 1. Đây là một trong những chương quan trọng nhất trong Kinh thánh. Chương nầy cung ứng cho chúng ta Tin lành "tóm tắt ngắn gọn" phiên bản Sports Center về đời sống của Đấng Christ.
A. Lai lịch đời đời của Chúa Jêsus (các câu 1-3).
1. Nhiều người nghĩ Chúa Jêsus bắt đầu đời sống của Ngài khi Ngài giáng sinh trong chuồng chiên máng cỏ ở xứ Bếtlêhem. Không, đời sống của Chúa Jêsus không bắt đầu khi Ngài được quấn tả lót và được đặt nằm trong máng cỏ. Thực vậy, đời sống của Chúa Jêsus không có điểm khởi đầu về mặt niên đại. Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Trời Ngài tự hữu hằng hữu. Ngài không nương vào một người hay một vật nào cho sự tồn tại của Ngài.
2. Giăng giải thích sự tự hữu hằng hữu của Chúa Jêsus bằng cách bắt đầu câu 1 với cụm từ: "Ban đầu có Ngôi Lời". "Ngôi Lời" là từ ngữ của Giăng nói đến Chúa Jêsus. Hãy chú ý từ nầy một lần nữa trong câu 14.
3. "Ngôi Lời" ra từ chữ Hy lạp logos. Từ nầy có nghĩa là "tương giao". Chúa Jêsus là "sự bày tỏ thiêng liêng" của Đức Chúa Trời.
a. Côlôse 1.15 chép: "Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được".
b. Hêbơrơ 1.3 chép Chúa Jêsus là: "hình bóng của bản thể Ngài".
c. Jesus phán về chính mình Ngài: "Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha" (Giăng 14.9)"Ta với Cha là một" (Giăng 10.30).
4. Chúa Jêsus vừa riêng biệt vừa là một với Đức Chúa Cha. Câu 1 chép: "Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời".
5. Trong câu 2, hãy chú ý ở phần nhắc lại: "ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời". Chúa Jêsus không phải là một con người trở thành Đức Chúa Trời, mà là Đức Chúa Trời đã trở thành người!
6. Là Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus là Đấng Tạo Hoá. Câu 3 chép: "Muôn vật bởi Ngài làm nên". Côlôse 1.16 chép: "Muôn vật đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả". Thêm nữa, câu 17 chép: "muôn vật đứng vững trong Ngài".
7. Có người nói như thế nầy: "Con Trẻ chào đời trong máng cỏ, đã giữ cho vũ trụ đứng đúng vị trí. Ngài đã chịu chết trên thập tự giá làm bằng gỗ được dựng lên trên hòn núi mà Ngài đã tạo ra".
B. Con người chối bỏ Chúa Jêsus (các câu 4-5, 10-11).
1. Là Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus vừa là "sự sáng" vừa là "sự sống". Thế gian bị che phủ trong sự "tối tăm" của tội lỗi. Khi Chúa Jêsus đến với đất để làm người, "sự sáng" của Ngài đã chiếu rạng vào thế gian.
2. Thầy tế lễ Xachari, cha của Giăng Báptít đã nói tiên tri về sự sáng của Chúa Jêsus trong Luca 1.78-79: "…và mặt trời mọc lên từ nơi cao thăm viếng chúng tôi, để soi những kẻ ngồi chỗ tối tăm và trong bóng sự chết, cùng đưa chân chúng tôi đi đường bình an".
3. Mặc dù Chúa Jêsus đã đến như "sự sáng của thế gian" để ban sự sống đời đời cho loài người, họ đã chối bỏ Ngài. Hãy chú ý câu 5, sự "tối tăm" chẳng hề "nhận lấy" sự sáng đó. Chữ nầy có nghĩa là "thắng hơn". Chính chữ nầy người Pharisi đã dùng khi họ nói họ "bắt quả tang" người đờn bà đang phạm tội tà dâm. Ngợi khen Đức Chúa Trời, sự "tối tăm" không thắng hơn "sự sáng" của Ngài.
4. Chúng ta hãy đọc các câu 10-11. Thực vậy, con người đã chối bỏ Ngài. Thế gian mà Ngài đã làm nên "không nhận biết Ngài". Thậm chí "tuyển dân của Ngài", dân sự của Ngài, người Do thái "không nhận biết Ngài".
C. Đời sống của Chúa Jêsus giữa vòng loài người (câu 14).
1. Đây là lẽ đạo nói tới sự hoá thân thành nhục thể. Chúa Jêsus nói với người đờn bà ở bên giếng trong Giăng 4.24: "Đức Chúa Trời là thần". Trong thể trạng đời đời của Ngài, Chúa Jêsus là Thần. Khi Ngài đến tại đây: "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt". Philíp 2.7 chép Ngài: "chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người".
2. Vì Ngài đã trở nên con người, Ngài không hề thôi là Đức Chúa Trời. Đấy là lý do tại sao Giăng đã nói: "chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha, đầy ơn và lẽ thật".
D. Chúa Jêsus chịu chết vì loài người (các câu 29, 35-36).
1. Ngày kia, "Giăng" (Giăng Báptít) đã thấy Chúa Jêsus "đến cùng mình", ông nói: "Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi!"
2. Giăng, giống như các tín đồ trong Cựu ước, đã dọn đường, nhìn thấy đàng trước "Đấng Gánh Tội Lỗi" và thập tự giá. Trong thời của chúng ta, chúng ta nhìn lại đàng sau.
3. Chúa Jêsus đã nói rõ sứ mệnh của Ngài trong Luca 19.10: "Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất".
4. Một lẽ thật tràn đầy sự vui mừng được thấy ở đây trong các câu 12-13.
E. Sự tái lâm của Chúa Jêsus đã được hứa cho (Công vụ các Sứ đồ 1.9-11).
1. Chắc chắn như Chúa Jêsus đã đến lần đầu tiên (sự đến lần thứ nhứt của Ngài), Ngài sẽ tái lâm. Chúng ta có Lời của Ngài về sự ấy. Ngài đã phán trong Giăng 14.3: "Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó".
2. Như chúng ta đã trở lại với bối cảnh đầu tiên trong sách Công vụ các Sứ đồ, chúng ta đến với bối cảnh sau cùng chức vụ của Chúa Jêsus ở trên đất.
3. Dường như từ Luca 24.50, Chúa Jêsus đã dẫn các môn đồ ra ngoài thành hướng đến Bêthany rồi ở đó: "Ngài giơ tay lên mà ban phước cho". Chính khi Ngài chúc phước cho họ, Ngài đã được "đem lên trời".
4. Khi Chúa Jêsus thăng thiên rồi, Công vụ các Sứ đồ 1 cho chúng các môn đồ của Ngài: "đang ngó chăm lên trời trong lúc Ngài ngự lên". Kế đó, hai thiên sứ nói: "Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy".
5. Sau khi Ngài thăng thiên rồi, Êphêsô 1.20 cho chúng ta biết Ngài đã "ngồi" bên tay hữu của Đức Chúa Cha. Ngài cũng đang cầu thay cho chúng ta.
6. Rôma 8.34 chép: "Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta".
7. Chúa Jêsus sẽ tái lâm y như Ngài đã ra đi vậy.
II. Một đánh giá về lần đến thứ hai của Chúa Jêsus và về Sự Cất Lên.
Phần việc kế tiếp của Đấng Christ là Sự Cất Lên, khi Ngài ngự đến trong đám mây để đón rước các thánh đồ của Ngài. Tuy nhiên, đây chưa phải là Lần Đến Thứ Nhì của Đấng Christ. Tít 2.13 cho chúng ta biết phải chờ đợi "sự trông cậy hạnh phước của chúng ta [Sự Cất Lên] và sự hiện ra của sự vinh hiển [Lần Đến Thứ Nhì] Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ". Vì vậy, quí vị đừng nhầm lẫn hai biến cố nầy, chúng ta hãy so sánh chúng trước khi đi xa hơn trong phần nghiên cứu của chúng ta.
Mặc dù chúng ta chưa bật hết các câu Kinh thánh nầy, quí vị đã muốn chấm xuống hàng các câu Kinh thánh chính nói tới phần tương lai. Về sự cất lên, hãy chú ý Giăng 14.1-3; I Côrinhtô 15.50-54; và I Têsalônica 4.13-17. Về Lần đến thứ nhì hãy chú ý Xachari 14.1-11; Mathiơ 24.29-44; và Khải huyền 19.11-21. Chúng ta hãy chú ý 15 phần đối chiếu.
A. Không có một dấu lạ nào báo trước sự cất lên, nhưng có nhiều dấu lạ báo trước Lần đến thứ hai. Sự cất lên sắp xảy ra, sự ấy sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi Kỳ Đại nạn bắt đầu, chúng ta có thể định được Sự Tái Lâm rất dễ dàng.
B. Sự cất lên liên quan đến việc dời đi các thánh đồ, Lần đến thứ hai chú về sự xuất hiện của Chúa Jêsus. Ở sự cất lên, tất cả những tín đồ, cả chết và còn sống đều được cất lên với Chúa Jêsus. Ở Lần đến thứ nhì, Chúa Jêsus sẽ làm cho mọi người trên cả thế gian đều nhìn biết Ngài. Ngài phán trong Mathiơ 24.30 như sau: "Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống".
C. Ở sự cất lên, Chúa Jêsus sẽ ngự đến trên không trung, ở lần đến thứ hai, Chúa Jêsus sẽ đến với đất. Ở sự cất lên, các thánh đồ "được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa" (I Têsalônica 4.17). Ở lần đến thứ hai, Xachari 14.4 chép: "Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi ô-li-ve".
D. Ở sự cất lên, Chúa Jêsus sẽ ngự đến để đón rước các thánh đồ, ở lần đến thứ hai, Ngài sẽ đến VỚI các thánh đồ. Trong sự cất lên, Đấng Christ sẽ trở lại để đón rước các thánh đồ Ngài ("cô dâu" theo nghĩa bóng). Ở lần đến thứ hai, các thánh đồ sẽ cùng đến với Đấng Christ.
E. Ở sự cất lên, Đấng Christ sẽ lên trời với các thánh đồ Ngài, theo sau là kỳ đại nạn. Ở lần đến thứ hai, Đấng Christ sẽ ở lại trên đất hầu thiết lập Vương quốc của Ngài, theo sau là Sự trị vì ngàn năm.
F. Ở sự cất lên các tín đồ được cất đi và những kẻ không tin Chúa bị để lại bắt đầu kỳ đại nạn. Ở lần đến thứ hai, những kẻ vô tín bị cất đi và những người tin Chúa được ở lại bước vào Vương quốc.
G. Sự cất lên đem lại một sứ điệp tràn đầy hy vọng. Lần đến thứ hai đem lại một sứ điệp nghiên về phán xét.
H. Sự cất lên được gắn với chương trình của Đức Chúa Trời dành cho Hội thánh Ngài và các thánh đồ Ngài. Lần đến thứ hai được gắn với chương trình của Đức Chúa Trời dành cho dân Israel và cả thế gian.
I. Sự cất lên là một "lẽ mầu nhiệm" chưa hề được tỏ ra trong Cựu ước. Sự đến lần thứ nhì là một sự dạy rất rõ ràng trong cả Cựu và Tân ước.
J. Theo sau sự cất lên, các tín đồ bị phán xét tại "ngai phán xét của Đấng Christ". Theo sau sự đến lần thứ hai, dân Israel và dân Ngoại bị phán xét tại chỗ phán xét Chiên-Dê.
K. Sau sự cất lên, sự sáng tạo còn lại không thay đổi. Sự rủa sả đất vẫn còn. Sau lần đến thứ hai, sự sáng tạo được thay đổi; sự rủa sả đất bị cất đi.
L. Sau sự cất lên, tội lỗi lan tràn và Satan cai trị đất. Sau lần đến thứ hai, tội lỗi bị phán xét và Đấng Christ trị vì đất.
M. Sự cất lên sẽ xảy ra ngay trước "ngày thạnh nộ". Sự đến lần thứ hai sẽ xảy ra sau "ngày thạnh nộ". Khải huyền 1.7 chép: "Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài".
N. Sự cất lên chỉ dính dáng với những người tin Chúa. Sự đến lần thứ hai sẽ dính dáng đến cả thế gian. Sự cất lên sẽ đến cách thình lình, ngay tức khắc, để đất lại trong hỗn loạn và lộn xộn. Lần đến thứ hai sẽ xảy đến ở đỉnh cao của xung đột quân sự cấp thế giới tại At-ma-ghê-đôn. Mọi người đều sẽ chứng kiến sự ấy.
O. Sự cất lên là sự trông mong của các tín đồ. Lần đến thứ hai là sự trông mong của Israel có lòng tin. Philíp 4.5 chép về sự cất lên như sau: "Chúa đã gần rồi". Mathiơ 10.7 và 24.14 nói tới lần đến thứ hai: "Nước thiên đàng gần rồi".
III. Một sự trông mong lần đến thứ hai của Chúa Jêsus.
Đây là bức tranh tưởng tượng về một sự cố theo nghĩa đen. Chúa Jêsus sẽ ngự đến trên một con "ngựa bạch", chớ không phải là con trẻ nằm trong máng cỏ nữa, mà là một Vị Vua chinh phục! Phải chú ý cho chắc chắn: "danh Ngài xưng là Lời Đức Chúa Trời" (câu 13). "Các đạo binh trên trời" của Ngài đều là các thánh của Ngài đã được cất lên trước đó! Ngài sẽ "cai trị bằng một cây gậy sắt". Ngài sẽ trị vì trong sự công bình. Habacúc nói tiên tri: "Vì sự nhận biết vinh quang Đức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn biển" (2.4). Ngài sẽ trị vì đất từ Jerusalem trong 1.000 năm. Nếu quí vị là một Cơ đốc nhân và quí vị chưa hề đến xứ Israel, khi ấy quí vị sẽ đi đến đó! Chúng ta hãy chú ý ba lý do tại sao Đấng Christ tái lâm.
A. Thứ nhứt, Chúa Jêsus sẽ tái lâm trên đất để làm ứng nghiệm Kinh thánh. Đức Chúa Trời luôn luôn giữ Lời của Ngài. Xuyên suốt Kinh thánh, có hàng trăm lời hứa về lần đến thứ hai của Đấng Christ. Nếu Đấng Christ không tái lâm, Đức Chúa Trời sẽ trở thành kẻ nói dối.
B. Thứ hai, Chúa Jêsus sẽ tái lâm trên đất đề xét đoán nhân loại.
1. Trong nhiều phân đoạn Kinh thánh, Đức Chúa Trời hứa một sự phán xét giáng trên những kẻ chối bỏ Đấng Christ. Giăng 3.36 chép: "Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó".
2. Hêbơrơ 9.27 chép: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét".
C. Thứ ba, Chúa Jêsus sẽ tái lâm trên đất để trói buộc Satan và để trị vì.
1. Sau khi Chúa Jêsus tái lâm, Ngài sẽ "quăng xuống hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng" "con thú" cùng "tiên tri giả" (câu 20).
2. Khi ấy Satan sẽ bị "trói" và bị quăng vào "hồ có lửa" trong "một ngàn năm". Mục đích cho điều nầy là "hầu cho nó không đi lừa dối các dân được nữa, cho đến chừng nào hạn một ngàn năm đã mãn". Sau sự ấy, "Sa-tan cũng phải được thả ra trong ít lâu" (20.1-3).
3. Trong suốt sự trị vì ngàn năm hay Kỷ Nguyên Nước Trời, sẽ không còn có sinh hoạt nào của ma quỉ nữa hết. Quí vị có bao giờ đọc lời đề tặng ở toà nhà Liên Hiệp Quốc chưa? Lời ấy ghi như sau "Bấy giờ họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến tranh". Đấy là một tư tưởng rất quí giá. Thực vậy, câu ấy chính là Êsai 2.4. Tuy nhiên, điều nầy sẽ không xảy ra cho tới khi Satan bị trói lại và Đấng Christ đương ngự trên ngôi!
4. Sẽ không bao giờ có hoà bình ở trên đất nầy cho tới khi nào Chúa Bình An ngự trị trên ngôi của Ngài. Sẽ không bao giờ có sự bình an ở trong đời sống của quí vị cho tới chừng nào Chúa Bình An đang ngự trên ngai lòng của quí vị!
Có một câu chuyện xưa thuật về một người nọ tìm gặp cây đèn của Aladdin. Anh ta cọ xát ngọn đèn và thần đèn xuất hiện cho anh ta một điều ước. Anh ta ước có một tờ báo cho cả năm trong tương lai. Anh ta tưởng tượng mình sẽ vớ được một món tiền lớn trong thị trường chứng khoán và với những độ cá ngựa. Với ngọn khói đèn phụt lên và thần đèn biến mất, có một tạp chí hiện ra ở đó. Khi anh ta mở tạp chí ấy ra, anh ta thấy tên của mình ở ngày đầu bảng cáo phó. Một việc chắc chắn chúng ta sẽ gặp ở ngày mai, ấy là Chúa Jêsus sẽ tái lâm. Câu hỏi duy nhứt mà hết thảy chúng ta cần phải trả lời, ấy là chúng ta sẽ đứng đâu với Chúa Jêsus!?!